Cân nhắc để người thân trong gia đình, họ hàng làm việc trong công ty của mình là điều thường thấy ở các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp mới khởi sự cần nhiều tinh thần hỗ trợ nhiệt huyết từ các nhân viên. Nhưng điều này có thực sự tốt cho doanh nghiệp và cho cả người thân họ hàng của bạn?
Với những doanh nghiệp mới khởi sự thì việc cần sự hỗ trợ từ mọi người xung quanh là rất cần thiết. Nếu bạn có sẵn nguồn lực là các anh chị em cô chú trong họ hàng, gia đình giúp đỡ thì đây là điều rất quý giá. Tuy nhiên, là người thân trong gia đình cũng có những khó khăn riêng khi làm việc trong công ty của bạn. Nếu muốn người thân làm việc trong công ty thì bạn cần xác định và giải quyết trước các vấn đề sau.
Sự nghiêm túc trong công việc của người thân
Đây là điều quan trọng nhất mà bạn cần quan tâm trước khi quyết định có để người thân vào làm việc bởi ở môi trường doanh nghiệp luôn đòi hỏi tính kỷ luật và chăm chỉ làm việc một cách nghiêm túc. Nhiều người có suy nghĩ vì là người thân của “sếp” sẽ được ưu tiên riêng nên muốn làm thế nào cũng được, không tuân theo các quy định chung, đôi khi còn tỏ ra “hạch sách” với các nhân viên khác.
Đặc biệt là với những người thân có vị thế cao hơn bạn trong mối quan hệ gia đình như anh chị, cô chú,…thì lại càng dễ xảy ra thực tế trên. Văn hóa của người Việt Nam lại thường coi trọng “trật tự” trong gia đình nên khi ở môi trường làm việc, chúng ta vẫn chưa phân tách rõ ràng ra được, đâu là công việc, đâu là tình cảm cá nhân riêng, dẫn đến việc bạn vẫn phải “dưới quyền” trong khi bạn là sếp.
Hãy tìm hiểu và nhìn nhận rõ người thân của mình, họ là người như thế nào, có thực sự nghiêm túc với công việc không. Nếu họ chỉ nghĩ đi làm cho vui thì không nên tuyển bạn nhé.
Bạn có bị chi phối cảm xúc cá nhân
Để quyết định được bạn có nên nhận người thân vào làm việc trong công ty hay không thì bạn cũng nên tự hỏi bản thân có thể “công tư phân minh” được hay không. Ngoài đời bạn và người đó có thể rất thân thiết với nhau, dành cho nhau nhiều sự tôn trọng nhưng trong công việc, nếu người đó phạm sai lầm thì liệu rằng bạn có thể công tâm nhắc nhở, xử phạt người đó theo quy định chung? Nếu bạn vẫn còn bị tác động nhiều bởi tình cảm cá nhân mà ưu ái riêng thì không nên nhận người thân vào công ty làm việc bởi nó sẽ làm ảnh hưởng đến tập thể chung.
Hình ảnh của bạn trong mắt các nhân viên khác
Không nhiều thì ít sẽ có sự bàn tán về việc bạn nhận người thân vào công ty làm việc từ các nhân viên khác. Các nhân viên này sẽ có sự so sánh họ với người đồng nghiệp là người thân của sếp kia và đưa ra những lời đánh giá về bạn, có thể tốt và cũng có thể không tốt. Nếu bạn không tạo ra được sự công bằng, công tư phân minh thì rất dễ tạo ra sự không công bằng cho các nhân viên khác và điều này có thể trở thành các mâu thuẫn trong doanh nghiệp.
Bạn có tin tưởng họ khi làm việc
Nhiều trường hợp là người thân muốn vào trong công ty của bạn làm việc nhưng năng lực của họ lại không phù hợp nhưng vì sự “nể nang” là người nhà nên bạn vẫn cố đồng thuận. Nhưng sau đó bạn lại gặp phải rắc rối là không an tâm khi giao việc cho họ. Các kết quả công việc bạn nhận lại được sau đó từ họ đều không khiến bạn hài lòng. Ngoài ra, bạn lại còn phải thêm lo lắng những rắc rối mà người thân đó với các nhân viên khác, bạn lại mất thêm thời gian để phân giải giữa họ. Điều này thực sự không tốt cho bạn, cho doanh nghiệp của bạn và cả cho người thân của bạn. Nếu họ không phù hợp với yêu cầu công việc bạn cần thì tốt nhất bạn nên khéo léo từ chối.
Sau khi xác định được rõ các vấn đề trên và bạn thấy người thân của mình có năng lực thực sự, nghiêm túc trong công việc và bạn có thể công tư phân minh, không bị chi phối bởi tình cảm cá nhân được thì bạn hoàn toàn có thể nhận người thân vào làm việc. Khi có người thân như vậy vào làm, bạn sẽ thấy an tâm hơn rất nhiều khi có thêm một người đồng hành cùng bạn.