Tự do tài chính là một trạng thái bạn có thể đưa ra mọi quyết định trong cuộc sống mà không bị chi phối bởi tiền bạc. Khi bạn có đủ thu nhập thụ động đáp ứng nhu cầu chi tiêu cá nhân, bạn sẽ có cả thời gian và tài chính để theo đuổi những sở thích mà không chút lăn tăn. Xe hỏng, ốm đau, nghỉ việc đột xuất… là những sự kiện hoàn toàn có thể xảy ra trong cuộc sống thường ngày. Tự do tài chính sẽ giúp bạn làm chủ tình hình và giải quyết chúng một cách dễ dàng.
Con đường tự do ấy sẽ bắt đầu với việc hôm nay bạn hiểu thói quen chi tiêu và ngân sách của mình.
Dưới đây, tôi sẽ giới thiệu tới bạn 5 bước lập kế hoạch để bạn sớm tự do tài chính:
Bước 1: Học cách quản lý tiền bạc
Đầu tiên, bạn cần có kế hoạch quản lý chi tiêu của mình. Nếu đã kết hôn, vợ chồng đều phải tham gia vào việc lập kế hoạch và cam kết thực hiện. Lập kế hoạch chi tiêu một cách chi tiết và rõ ràng sẽ giúp bạn dễ dàng theo dõi được những khoản chi của mình và gia đình. Bạn sẽ đánh giá được việc quản lý tiền bạc của mình, từ đó điều chỉnh để đến những bước tiếp theo.
Bước 2: Rà soát lại tài chính của bạn
Trong quá trình học cách quản lý tiền bạc, bạn sẽ nhận ra những sai lầm tài chính, những khoản nợ mình mắc phải ở quá khứ và hiện tại. Không sao cả! Điểm tích cực là bạn có cơ hội kiểm tra và nghiêm túc xử lý chúng để bắt đầu hướng đến cuộc sống độc lập tài chính như mong muốn.
Bước 3: Khôn ngoan trong những quyết định nghề nghiệp
Lương là công cụ chính giúp bạn xây dựng kế hoạch tự do tài chính. Vì vậy, hãy chọn một công việc không chỉ đáp ứng mức lương tương xứng với năng lực bản thân mà còn mang đến cho bạn sự yêu thích, hăng say làm việc để đạt được mục tiêu cuối cùng. Dưới đây là một số câu hỏi có thể giúp bạn đưa ra lựa chọn sáng suốt cho sự nghiệp của mình.
- Bạn muốn mình ở vị trí nào sau 10 năm? Công việc này có giúp bạn đạt được mục tiêu?
- Thu nhập đến từ vị trí này có tiềm năng không? Hãy đảm bảo lựa chọn một công việc cho bạn cơ hội tăng lương cùng với giá trị gia tăng của bản thân.
- Bạn có thích công việc này không? Hãy làm những việc đem lại sự hào hứng cho bản thân và có thể áp dụng những khả năng, kỹ năng của riêng mình.
- Nghề nghiệp có thể tác động lớn đến kế hoạch tài chính dài hạn, vậy nên bạn cần suy nghĩ lựa chọn thấu đáo trước khi quyết định nhé!
Bước 4: Lập quỹ tiết kiệm ngắn hạn cho những trường hợp khẩn cấp
Bạn nên có một khoản tiết kiệm hỗ trợ cuộc sống cá nhân trong 3 – 6 tháng nhằm đề phòng những tình huống không mong đợi xảy ra, gây ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính dài hạn. Ngoài ra, bạn cũng cần một kế hoạch tiết kiệm cho những trường hợp chi tiêu lớn như du lịch hay mua sắm đồ đạc cá nhân, gia đình. Quỹ khẩn cấp và một kế hoạch mua sắm rõ ràng sẽ giúp bạn có một nền tảng tài chính vững chắc và tự tin để thực hiện bước tiếp theo.
Bước 5: Tìm hiểu và lựa chọn các loại hình đầu tư
Sau khi có kế hoạch tiết kiệm ngắn hạn, bây giờ là thời điểm để bạn bắt đầu cho kế hoạch dài hạn của mình thông qua việc đầu tư tài chính bằng cách tự tìm hiểu hoặc nhờ tư vấn. Đầu tư rất đa dạng và phong phú về hình thức, những loại hình phổ biến hiện nay như bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu… Bạn cần xem xét các yếu tố dòng tiền, khả năng sinh lời, mức độ chấp nhận rủi ro dựa trên các mục tiêu tài chính để đưa ra sự lựa chọn đầu tư phù hợp nhất. Thường xuyên theo dõi và điều chỉnh kế hoạch để đảm bảo cân bằng, tối ưu hoá các hạng mục đầu tư, giảm thiểu rủi ro và rút ngắn thời gian đạt được mục tiêu đã đề ra. Bạn cũng cần rèn luyện một tâm thế chủ động, tích cực, luôn hướng về phía trước trên hành trình làm chủ cuộc đời.
Tự do tài chính là mục đích sống mà ai trong chúng ta cũng mong đạt được. Không chỉ thỏa mãn cuộc sống thịnh vượng của cá nhân, nó còn là niềm vui khi chúng ta có khả năng giúp đỡ được người khác, đặc biệt là gia đình và người thân. Độc lập tài chính là một chặng đường dài, đầy thử thách và đòi hỏi một ý chí lớn. Chỉ cần có quyết tâm thực hiện đến cùng, cuộc sống luôn đền đáp đầy đủ cho những cố gắng của bạn và khi nhìn lại, bạn sẽ mỉm cười hạnh phúc!